03/10/2024 07:00

Kỹ năng nghề chuyên sâu trong ngành chăm sóc sắc đẹp

Những năm gần đây, chúng ta cùng thống nhất rằng, với bước chạy vọt của công nghệ và nhịp sống hiện đại, nhu cầu của con người trong việc chăm sóc nhan sắc không ngừng tăng lên. Chính vì vậy, nghề chăm sóc sắc đẹp đẹp đã tạo ra nhiều cơ hội việc làm và thu nhập ổn định.

Điều đó cho thấy, ngành nghề này có xu hướng thu hút sự quan tâm của đông đảo các đơn vị, cơ sở muốn đào tạo lĩnh vực này, đặc biệt ở các thành phố đông dân, với mức sống cao, nhu cầu lớn… đồng thời đòi hỏi nguồn lao động có chất lượng và tay nghề đáp ứng.

Hiện nay, xu hướng chăm sóc sắc đẹp tại Việt Nam đang phát triển mạnh với các dịch vụ chăm sóc sắc đẹp, spa, thẩm mỹ viện, tạo ra nhu cầu lớn về việc làm với nhiều dịch vụ liên quan như: chăm sóc da, phun xăm, nối mi, massage, làm nail, làm tóc, trang điểm...

Thực tế cho thấy, trên cả nước có hàng trăm cơ sở dạy nghề, đang đào tạo về lĩnh vực chăm sóc sắc đẹp. Tính riêng TP. Hồ Chí Minh có khoảng 50 cơ sở đào tạo các khóa sơ cấp 3 - 6 tháng, hoặc học 1,5 năm (hệ trung cấp) là có thể nắm bắt được kiến thức, kỹ năng nghề để bắt đầu lập nghiệp với mức thu nhập từ 8 -20 triệu đồng/người/tháng, thậm chí có thể lên tới hàng trăm triệu đồng với những người vững chuyên môn.

Ngày 19/4 vừa qua, đã có chương trình về Diễn đàn “Thị trường ngành làm đẹp năm 2024", được Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm phối hợp với các Hiệp hội/Hội trong ngành làm đẹp, tổ chức, có những nhận định chung: Thị trường làm đẹp Việt Nam là thị trường tiềm năng, có tốc độ phát triển hàng đầu so với các nước trong khu vực. Nếu như năm 2000 có 100 thẩm mỹ viện và beauty salon, thì năm 2020 lên tới 5.000 cơ sở làm đẹp. Đến năm 2025, sẽ lên đến 10.000 nghề làm đẹp thuộc “top nghề” có mức thu nhập lý tưởng và đây là một nghề “hot” có tiềm năng phát triển mạnh mẽ…

Tuy nhiên, mặc dù ngành có tiềm năng lớn để phát triển nhưng nghề làm đẹp Việt Nam đang gặp phải một số tồn tại, khó khăn… đó là nhu cầu lớn về nguồn lực nhân sự chất lượng cao, được đào tạo bài bản, có kỹ năng, kiến thức về nghề, về an toàn sức khỏe, về mỹ phẩm, các hoạt chất làm đẹp…

Nhiều cơ sở đào tạo và các cá nhân đào tạo chưa có sự kiểm tra, giám sát chặt chẻ của các cơ quan quản lý có thẩm quyền, nên chất lượng đầu ra của chuyên viên còn non yếu. Chính vì vậy vấn đề đào tạo đặc biệt là kỹ năng nghề chuyên sâu có vị trí then chốt để nâng tầm chất lượng nhân sự nghề làm đẹp trong thời điểm hiện tại và tương lai.

Đồng thời, nghề chăm sóc sắc đẹp cần một số tố chất, đó là sự khéo léo, cẩn thận. Mỗi nhân viên cần có sự chuyên nghiệm, tỉ mỉ trong quá trình cung cấp dịch vụ, lường trước được những tình huống xảy ra và có hướng khắc phục. Ngoài ra, còn phải luôn tìm tòi, sáng tạo để có những phương pháp làm đẹp đa dạng hơn, phục vụ được mọi nhu cầu của nhiều đối tượng khách hàng.

Xu hướng làm đẹp luôn có sự vận động, thay đổi liên tục, do đó, cần phải “rèn” cho mình tư duy nhạy bén với những thay đổi và trở thành người đón đầu xu hướng. Ngoài việc nắm vững chuyên môn nghề nghiệp, người học nghề và hành nghề phải rèn luyện được thái độ luôn lịch sự, nhã nhặn, tác phong phục vụ phải chu đáo, hòa nhã, chuyên nghiệp…

Nhiệm vụ cao cả của nghề chăm sóc sắc đẹp là được phục vụ các dịch vụ về làm đẹp, mang đến cái đẹp và sự thoải mái cho khách hàng, giúp khách hàng được thư giãn, được giải tỏa những áp lực của đời sống thường nhật. Chính vì những quan điểm đúng đắn về một ngành nghề phục vụ, người học và làm nghề phải luôn trong tâm thế của một người được phục vụ, phải rèn luyện được thái độ luôn lịch sự, nhã nhặn, chu đáo, chuyên nghiệp, thích nghi và đáp ứng được tính chất công việc… như vậy thì mới thành công.

Nhu cầu làm đẹp ngày càng cao, sự cạnh tranh nghề nghiệp càng lớn, nên các tổ chức xã hội nghề nghiệp, các cơ sở hoạt động đào tạo phải cần chú trọng về những giải pháp nâng cao tay nghề nhân lực hơn nữa trong lĩnh vực nghề chăm sóc sắc đẹp, cũng như xây dựng hình ảnh, xây dựng tổ chức chăm sóc sắc đẹp, kết hợp chặt chẽ với cộng đồng các doanh nghiệp trong lĩnh vực làm đẹp… Để cùng phát triển ngày càng vững mạnh hơn trên hành trình lập nghiệp, từ đó tạo nên môi trường cạnh tranh lành mạnh, tạo cơ hội việc làm hấp dẫn, đối với ngành nghề làm đẹp cho người và cho đời.

Trần Anh Tuấn

Link nội dung: https://www.eranet.vn/ky-nang-nghe-chuyen-sau-trong-nganh-cham-soc-sac-dep-75.html